Hội Nghị Quốc Tế ICMA-UEL

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ “TOÁN HỌC VÀ ỨNG DỤNG” VÀ NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA BỘ MÔN TOÁN – THỐNG KÊ KINH TẾ

                                                                                                               Lê Anh Vũ


          Trong 3 ngày, từ 20 đến 22/12/2011, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHKTL) phối hợp với Hội Toán học Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Toán học và Ứng dụng (ICMA – UEL2011). Sự thành công của hội nghị đã góp phần năng cao uy tín và vị thế của toán học Việt Nam, đóng góp vào việc nghiên cứu và ứng dụng toán học trong nhiều lĩnh vực, và thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường ĐHKTL.
          Bài viết dưới đây muốn góp một cái nhìn toàn cảnh về hội nghị ICMA – UEL 2011 để từ đó phác thảo một định hướng phát triển Bộ môn Toán – Thông kê kinh tế (BMTTKKT) của trường ĐHKTL, đặc biệt là việc xây dựng và phát triển một nhóm nghiên cứu mạnh về Toán kinh tế tại trường ĐHKTL.

1. Ý tưởng tổ chức một hội nghị quốc tế về toán học và ứng dụng tại ĐHQG TP.HCM
Ngày 19/8/2010, đúng vào ngày kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám lịch sử, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thành phố Hyderabad – Ấn độ, nhà toán học Việt nam –GS Ngô Bảo Châu đã được Liên đoàn Toán học thế giới trao huy chương Fields – Giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học trên thế giới, giải thưởng được ví là “giải Nobel Toán học”. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử nền Toán học Việt nam nói riêng, nền khoa học Việt Nam nói chung. Sự kiện này đã vinh danh và nâng uy tín, vị thế của nền khoa học Việt Nam trên toàn thế giới lên một tầm cao mới.

Tháng 10/2010, một Hội nghị Toán học quốc tế về Đại số (ICA2010, 7-10/10/2010) được tổ chức tại Đại học Gadjah Mada (Yogyakarta, Indonesia) mừng sinh nhật lần thứ 70 của GS Kar Ping Shum – nguyên chủ tịch Hội Toán học Đông Nam Á (SEAMS) và Hội Toán học Hồng Kông. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành (BCH) SEAMS đã họp thường kỳ và nhất trí bầu GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (VMS), giữ cương vị Chủ tịch SEAMS nhiệm kỳ 02 năm từ 01/1/2012 đến 01/1/2014. Tiếp nối sau sự kiện Ngô Bảo Châu, sự kiện này một lần nữa tôn vinh nền toán học và nền khoa học Việt nam trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Chúng tôi có vinh dự được mời tham gia và đọc báo cáo tại hội nghị ICA2010 này. Tham dự ICA2010, ngoài  GS Lê Tuấn Hoa và chúng tôi còn có một nhà toán học Việt nam khác, TS Nguyễn Văn Sanh – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Toán học Việt nam, GS Đại học Mahidol, Bangkok – Thailand, người đã hơn 15 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu toán học tại Thailand. TS Nguyễn Văn Sanh tham dự ICA2010 với tư cách là thành viên chủ chốt của Ban Tổ chức (BTC) và Ban Chương trình (BCT) của hội nghị. Ngay buổi tối hôm kết thúc phiên họp BCH  SEAMS, chúng tôi đã có dịp trao đổi với GS Lê Tuấn Hoa và TS Nguyễn Văn Sanh. Cả ba đã thống nhất ý tưởng tổ chức một hội nghị quốc tế mang tênToán học và Ứng dụng tại ĐHQG TP.HCM. Tên tiếng Anh của hội nghị sẽ là International Conference in Mathematics and Applications (viết tắt là ICMA). Cả ba đều nhất trí tổ chức ICMA thường kỳ 2 năm 1 lần và lần đầu sẽ tổ chức vào cuối năm 2011 hoặc đầu 2012 nhân dịp kỷ niệm 40 năm SEAMS và chuẩn bị chuyển giao vị trí Chủ tịch SEAMS nhiệm kỳ 02 năm (1/2012 – 1/2014) cho GS Lê Tuấn Hoa.

2. Công tác chuẩn bị cho ICMA2011
Ý tưởng và kế hoạch tổ chức ICMA2011 được chúng tôi trao đổi và đề nghị với Ban Giám hiệu (BGH) trường ĐHKTL từ tháng 2/2011. Một điều rất đáng khích lệ là BGH nhà trường đã rất đồng thuận và tạo mọi điều kiện ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả để ý tưởng và kế hoạch đó trở thành hiện thực. Cho đến đầu tháng 6/2011, các khâu thủ tục trình lên ĐHQG TP.HCM đều hoàn tất và được Ban Giám đốc (BGĐ) ĐHQG TP.HCM phê chuẩn đồng ý để trường ĐHKTL đăng cai tổ chức ICMA2011. Từ đó ICMA chính thức được mang tên ICMA – UEL2011.

BTC và BCT quốc tế bao gồm một số nhà toán học nổi tiếng trong lẫn ngoài nước nhanh chóng được thành lập. BTC địa phương cũng được xúc tiến thành lập ngay để kịp thời điều hành các công tác chuẩn bị cho ICMA-UEL2011. Một website riêng của hội nghị theo đường link http://icma.uel.edu.vn được thiết lập nhằm cập nhật các thông tin liên quan và thuận lợi cho các tổ chức cũng như cá nhân đăng ký tham gia hội nghị.

Trong suốt 5 tháng, từ đầu tháng 6/2011 đến hết tháng 11/2011, đã có hàng trăm khách trong nước và quốc tế gửi đơn đăng ký tham dự hội nghị. Nhiều người trong số họ đã gửi bài và đăng ký báo cáo kết quả nghiên cứu của mình tại hội nghị. Điều này chứng tỏ ICMA-UEL2011 có sức hấp dẫn các nhà toán học từ khắp nơi trên thế giới. Có thể nói, ICMA – UEL2011 sẽ là một hội nghị quốc tế lớn về toán học và ứng dụng lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Hội nghị được chờ đợi sẽ tạo một diễn đàn cho các nhà toán học và các nhà khoa học trên thế giới đang làm việc trong các lĩnh vực có liên quan đến toán học, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Trong không khí cởi mở, thân thiện, các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới sẽ trình bày các nghiên cứu của mình, trao đổi ý tưởng, thảo luận về các phương hướng và dự án nghiên cứu trong tương lai.

Một sự kiện đặc biệt đáng chú ý là, GS Efim Zelmanov – một trong số rất ít các nhà toán học kiệt xuất nổi tiếng nhất trên thế giới, người đoạt giải thưởng Fields năm 1994 – đã nhận lời mời đến tham dự với tư cách khách mời đặc biệt và đọc báo cáo chủ chốt tại hội nghị. Một số chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực toán lý thuyết và ứng dụng cũng nhận lời tham dự và đọc báo cáo mời tại ICMA-UEL2011. Đây là một vinh dự hết sức to lớn cho giới toán học Việt Nam nói riêng, giới khoa học và đất nước Việt Nam nói chung.

Dưới sự điều hành và chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Văn Luân – Trưởng Ban và GS.TSKH Lê Tuấn Hoa – đồng Trưởng Ban, BTC của ICMA – UEL2011 đã làm việc khẩn trương và mời được hơn 80 đại biểu quốc tế, hơn 40 đại biểu trong nước đến tham dự hội nghị. GS.TSKH Lê Tuấn Hoa – Trưởng Ban, TS Nguyễn Văn Sanh – Phó trưởng Ban thường trực cùng BCT của ICMA – UEL2011 đã khẩn trương xét duyệt các bài báo cáo gửi về xin báo cáo tại Hội nghị.

3. Thành công của ICMA-UEL 2011
Ngày 19/12/2011, BTC ICMA – UEL2011 đã tổ chức đón tiếp chu đáo các đại biểu trong nước và đại biểu quốc tế đến từ Ấn Độ, Ba Lan, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Indonesia, Iran, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Pháp, Philipine, Thái Lan, Úc, … Trong 3 ngày, từ 20 đến 22/12, ICMA – UEL2011 đã diễn ra trọng thể tại trường ĐHKTL – ĐHQG TP.HCM. Hội nghị hân hạnh được Trung tâm Thông tin Di động khu vực II (Mobifone) tài trợ.

Sáng 20/12/2011, ngay trước phiên khai mạc, Giám đốc ĐHQG TP.HCM – PGS.TS Phan Thanh Bình, đã thân mật tiếp các khách VIP tại phòng Khánh tiết của ĐHQG TP.HCM.

Sau màn biểu diễn văn nghệ dân gian đặc sắc của các nghệ sỹ đến từ Câu lạc bộ ca Huế Phú Xuân tại TP.HCM, lễ khai mạc đã diễn ra trang trọng tại hội trường A trường ĐHKTL và được Đài Truyền hình Việt Nam VTV9 truyền hình trực tiếp phủ sóng trên toàn quốc. Hội nghị vinh dự được đón tiếp PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM; GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán, Chủ tịch Hội Toán học Việt nam; GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia; GS Kar Ping Shum, nguyên Chủ tịch SEAMS; TS Nguyễn Văn Sanh, GS Đại học Mahidol (Bangkok, Thái Lan) và nhiều nhà toán học nổi tiếng khác. Ngay sau lễ khai mạc, BTC đã tổ chức họp báo với sự tham dự của gần 20 phóng viên báo, đài của trung ương và địa phương. Những ngày tiếp sau, các thông tin về hội nghị xuất hiện tràn ngập trên khá nhiều phương tiện truyền thông, cả các báo in lẫn các báo điện tử.

            Trong 3 ngày làm việc, hội nghị đã có 4 phiên họp toàn thể để nghe báo cáo chủ chốt (50 phút) của GS Efim Zelmanov và 6 báo cáo chính (40 phút) của các GS Fima Klebaner (Đại học Monash, Úc), GS Pham Xuan Huyen (Đại học Paris 7, Pháp), GS Kais Hamza (Đại học Monash, Úc), GS Le Tu Quoc Thang (Học viện Kỹ thuật Geogia, Atlanta, Hoa kỳ), GS Jiro Akahori (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) và GS Shigeyoshi Ogawa (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản). Họ đều là các chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực toán học và ứng dụng. 5 trong số 7 báo cáo đó đã trình bày các vấn đề thời sự về các phương pháp toán học trong tài chính và kinh tế.

            Ngoài ra, hội nghị còn có 4 phiên thảo luận tại 4 tiểu ban. Tại các phiên này, 14 báo cáo mời và 53 thông báo ngắn đã được trình bày tại hội thảo. Các phiên thảo luận đều khá sôi nổi, bổ ích với nhiều báo cáo có chất lượng về toán học lý thuyết cũng như ứng dụng.

            Một hoạt động đặc sắc khác của ICMA – UEL2011 là cuộc thảo luận bàn tròn về chủ đề giảng dạy và nghiên cứu toán học ở các trường đại học và các viện nghiên cứu. Tại đây, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới bày tỏ sự mong muốn hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Việt Nam nói chung, với trường ĐHKTL và ĐHQG TPHCM nói riêng. Một số chuyên gia sẵn sàng nhận các nghiên cứu sinh đến từ trường ĐHKTL. Điều này đánh dấu sự thành công lớn của ICMA – UEL2011.

            Ngày 22/12/2011, ICMA – UEL2011 được bế mạc trong không khí thân thiện, cởi mở, hữu nghị và hợp tác. Các đại biểu đã bày tỏ sự cảm ơn chân tình đến BTC, lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại hai năm sau tại  ICMA – UEL2013.

4. Những định hướng cho sự phát triển việc nghiên cứu và giảng dạy toán học tại trường ĐH Kinh tế - Luật sau sự kiện ICMA – UEL 2011
Thành công của ICMA – UEL2011 đã chứng tỏ trường ĐHKTL không chỉ có khả năng tổ chức tốt các sự kiện lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế mà còn có tiềm năng lớn trong hợp tác quốc tế về đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học nói chung, đào tạo và nghiên cứu toán học – đặc biệt là toán học ứng dụng nói riêng. Thành công trên cả sự mong đợi của ICMA – UEL2011 giúp chúng ta có thể phác thảo một định hướng cho sự xây dựng và phát triển của BMTTKKT tại trường ĐHKTL trong tương lai, đại thể như sau:
BMTTKKT cần thiết phải có kế hoạch cụ thể để phát triển thành Khoa Toán Kinh tế trong lộ trình từ 3 tới 5 năm tới.
Bằng cách sử dụng kinh phí đã được BGH trường duyệt chi một cách hợp lý, BMTTKKT cần duy trì và nâng cao chất lượng Seminar Toán và Các vấn đề Ứng dụng. Bộ môn đã và sẽ tiếp tục phối kết hợp hiệu quả hơn nữa với Trung tâm xuất sắc John – von Neumann (JVN), ĐHQG TPHCM để có những buổi seminar chất lượng cao với báo cáo viên là các GS quốc tế đến từ những trung tâm nghiên cứu mạnh về toán kinh tế,
Trên cơ sở nâng cao chất lượng Seminar đồng thời song song với với việc đó, BMTTKKT cần nhanh chóng tìm ra các biện pháp phối hợp hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài trường có nhu cầu áp dụng toán trong giảng dạy và nghiên cứu để sớm có đề tài nghiên cứu và cho ra những sản phẩm nghiên cứu theo chủ đề Ứng dụng Toán vào Kinh tế – Tài chính trong vài năm tới.
Bộ môn cần tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị tương đương của các Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TPHCM và nhanh chóng xây dựng một đề cương hợp lý cho chương trình đào tạo cử nhân Toán tài chính, Toán kinh tế,… để trình các cấp có thẩm quyền duyệt và thực thi trong tương lai gần.
Trong chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ ngang tầm với nhiệm vụ cả hiện tại lẫn trong tương lai, tranh thủ sự nhiệt tình giúp đỡ của một số chuyên gia lớn về toán ứng dụng đã tham gia ICMA – UEL 2011, Bộ môn Toán – Thống kê kinh tế sẽ khẩn trương liên hệ và hoàn tất các thủ tục để gửi một số cán bộ trẻ đi đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Toán kinh tế càng sớm càng tốt. Song song với đào tạo đội ngũ, Bộ môn cũng kiến nghị với Ban lãnh đạo trường có chính sách hợp lý nhằm thu hút các cán bộ trẻ có học vị tiến sỹ Toán kinh tế được đào tạo ở các nước tiên tiến về công tác tại trường. Từ đó hình thành và phát triển một nhóm nghiên cứu về toán kinh tế tại BMTTKKT. Phấn đấu đưa nhóm nghiên cứu này dần dần thành nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHKTL nói riêng, ĐHQGTPHCM nói chung.
Bộ môn Toán – Thống kê kinh tế rất mong được Ban lãnh đạo trường ủng hộ về cả tinh thần lẫn vật chất để ICMA trở thành hoạt động truyền thống thường kỳ 2 năm 1 lần, tạo đà cho sự phát triển bền vững của Bộ môn nói riêng, trường ĐH Kinh tế - Luật nói chung.
Để kết thúc bài viết, thay mặt BTC của ICMA – UEL2011, chúng tôi xin bày tỏ lời cám ơn sâu sắc đến các khách VIP của hội nghị. Sự có mặt của họ cùng những báo cáo đặc sắc đã góp phần to lớn vào thành công của ICMA – UEL2011. Xin trân trọng giới thiệu dưới đây chân dung các nhà toán học (khách VIP) được mời trình bày các báo cáo quan trọng và chủ trì các phiên thảo luận tại Hội nghị.